10:03 | 14/09/2015 | 8653 views

THƯƠNG HIỆU CỦA BẠN CÓ CẦN MỘT TUYÊN NGÔN?

Brand manifesto không chỉ là một công cụ để thể hiện cá tính thương hiệu tới cộng đồng, mà nó còn là một sản phẩm rất có giá trị để sử dụng trong nội bộ công ty, bởi giống như một lời hứa chung, nó gắn kết mỗi thành viên trong công ty và đưa họ cùng đi trên một con đường.

Gần đây, Levi’s cho ra mắt chiến dịch Go Forth – Dẫn bước tiên phong. Không phải là một bộ sưu tập quần áo mới, thậm chí những người nổi tiếng xuất hiện trên trang chủ của chiến dịch Go Forth này ở Việt Nam thậm chí còn chả thèm mặc quần jeans. Vậy thì tại sao Levi’s toàn cầu lại đưa ra chiến dịch này và nói rằng nó là “nền tảng Levi’s quyết tâm theo đuổi về mặt dài hạn?” Câu trả lời ở đây là Levi’s đã xác định Go Forth chính là Brand Manifesto (tuyên ngôn thương hiệu) của mình, và chiến dịch Go Forth là chiến dịch đưa manifesto này ra thị trường. Vậy, Brand manifesto là gì?

Brand Manifesto – Tuyên ngôn thương hiệu là gì?
Brand Manifesto là lời tuyên bố về nguyên tắc và giá trị của thương hiệu tới người tiêu dùng. Sở hữu một thương hiệu mạnh là vô cùng quan trọng, nhưng điều còn quan trọng hơn, đó là đưa tới người tiêu dùng một thông điệp hấp dẫn và nhất quán về thương hiệu của bạn. Brand manifesto không chỉ là một công cụ để thể hiện cá tính thương hiệu tới cộng đồng, mà nó còn là một sản phẩm rất có giá trị để sử dụng trong nội bộ công ty, bởi giống như một lời hứa chung, nó gắn kết mỗi thành viên trong công ty và đưa họ cùng đi trên một con đường.
Tuyên ngôn thương hiệu không phải là cái gì mới lạ, nhưng nó lại chính là một hình thức thú vị và “hợp thời” hơn những tuyên ngôn về sứ mệnh (Mission Statement). Vậy Tuyên ngôn thương hiệu và tuyên ngôn về sứ mệnh khác nhau ở đâu? Nếu như tuyên ngôn về sứ mệnh chỉ đưa đến cho khách hàng những câu nói sáo rỗng về việc bạn đang cố gắng đạt được vị thế như thế nào và sẽ giúp được gì khách hàng nếu như họ sử dụng dịch vụ/sản phẩm của bạn, thì tuyên ngôn thương hiệu lại mang tới cả góc nhìn và quan điểm của thương hiệu tới một vấn đề trong cuộc sống. Một trong những manifesto thành công và được nhắc tới rất nhiều là của nhãn hàng quần áo Yoga Lululemon. Manifesto của hãng này được thiết kế bằng nghệ thuật sắp chữ trên nền những chiếc túi trắng đỏ. Dòng chữ “Breathe deeply” rất nổi bật và dễ nhìn, trực tiếp nêu lên một triết lý quan trọng của Yoga. Các dòng chữ nổi bật khác như “Do one thing a day that scares you” (làm một việc bạn sợ mỗi ngày), hay “Dance, sing, floss, and travel” (nhảy múa, hát hò, dùng chỉ nha khoa và đi du lịch) không tập trung vào triết lý Yoga, nhưng lại là những quan điểm phù hợp với khách hàng trẻ tuổi, thị thành của Lululemon.
 
Và đột nhiên, Lululemon từ một nơi bán quần áo thông thường, trở thành một phong cách, một quan điểm mà thông qua việc sử dụng sản phẩm của Lululemon, khách hàng đang thể hiện rằng: “Ok, tôi cũng có cùng quan điểm, cùng triết lý sống như vậy.”
Bạn có thấy hình ảnh này quen mắt hay không? Đúng vậy, đây là hình ảnh được chia sẻ rất nhiều trên facebook trong thời gian vừa qua, được biết tới như một chân lý sống tuyệt vời cho giới trẻ. Nhưng điều ít ai biết đến hơn, đó là hình ảnh này chính là một manifesto của một thương hiệu mang tên Holstee. Manifesto này vốn được hình thành để ghi lại ý nghĩa và mục đích của nhà sáng lập khi họ xây dựng Holstee, và nó đã trở nên nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành một sản phẩm có thể bán được tại Holstee.
Nếu ta coi thương hiệu như là một cậu bé, vậy ta có thể hiểu câu chuyện thương hiệu giống như tuổi thơ của cậu bé này, tuyên ngôn về sứ mệnh giống như mục đích cậu ấy sinh ra và học tập, còn brand manifesto là góc nhìn, quan điểm và triết lý sống của cậu bé. Tuổi thơ hay sứ mệnh của cậu bé có thể khiến ta hiểu nhiều hơn về cậu, nhưng chính góc nhìn và quan điểm lại khiến “cậu bé” thương hiệu này trở nên gần gũi, thân thương, và từ một thương hiệu xa cách, cậu ấy bỗng trở thành người bạn của chúng ta, người chúng ta sẽ cùng chia sẻ quan điểm và lối sống.
Mục đích cuối cùng của xây dựng thương hiệu là kích thích tương tác và cảm hứng từ khách hàng, đem đến cho họ một trải nghiệm thương hiệu chứ không chỉ dừng lại ở một dịch vụ. Ở vào thời điểm hiện nay, khi khách hàng ngày càng có chủ kiến và phong cách của riêng mình, thì một thương hiệu thể hiện được cá tính của mình sẽ là thương hiệu chiến thắng. Người tiêu dùng giờ đâykhông sử dụng iPhone chỉ vì nó đẹp, nó có chất lượng tốt, mà còn bởi thương hiệu Apple có cá tính “sáng tạo” và “sành điệu”, là những mà người tiêu dùng, khi mua iPhone, muốn được dán nhãn tương tự. Một cô gái mua đồ tập Yoga từ Lululemon không phải vì đồ ở đó rẻ hơn, mà nó thể hiện triết lý sống mà cô ấy đang theo đuổi. Brand Manifesto giúp hình thành cá tính thương hiệu một cách đơn giản, rõ ràng, và bởi vì nó là một quan điểm, manifesto rất dễ dàng được chia sẻ và lan truyền, như những gì đã xảy ra với Holstee.
Hướng đi nào cho thương hiệu Việt?
Thương hiệu Việt, cho tới thời điểm này, vẫn đang chập chững những bước đầu tiên trên còn đường xây dựng thương hiệu của riêng mình. Tuy đã có những bước định hướng, xác định vị thế, hướng đi, sứ mệnh cũng như giá trị, nhưng rất ít nhãn hiệu nào trên thị trường hiện nay sở hữu một cá tính rõ ràng và gây cảm hứng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt, nhất là người tiêu dùng trẻ, đang có những bước phát triển nhanh chóng. Họ rất thích những thương hiệu có cá tính và bản sắc riêng, bằng chứng là sự thành công của những thương hiệu như Apple, the Body Shop tại Việt Nam. Rõ ràng, thương hiệu Việt sẽ gặp khó khăn hơn nữa để cạnh tranh với những thương hiệu quốc tế, nhất là khi chúng ta thiếu một cá tính để gây ấn tượng và kết nối cảm xúc với người tiêu dùng. Chính lúc này, brand manifesto sẽ là một công cụ tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt trên sân chơi thương hiệu.
 
RIOCreative

 

Recent posts

Làm thế nào để tăng sự sáng tạo?

11:05 | 16/01/2019 | 3352 view


Tạ Tâm Đan SG-F20 - Cô nàng Marketer đam mê thiết kế

12:06 | 17/06/2016 | 4510 view


Tâm sự của học viên Tạ Tâm Đan, khóa F20 Sài Gòn, với RIO Class - Khóa học thiết kế dành cho Marketer